NGUY HIỂM KHÓ LƯỜNG KHI TRẺ NUỐT PIN “CÚC ÁO”


Phòng khám tiếp nhận 01 trường hợp cháu bé 5 tuổi nuốt viên pin “cúc áo”, khoảng vài giờ sau đó bố mẹ bé phát hiện và đưa cháu đến khám.

Sau quá trình thăm khám, cháu bé được chỉ định chụp Xquang để xác định vị trí viên pin trong đường tiêu hóa. Bên dưới là Xquang của bé. Cháu bé được chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị tiếp.

PIN “CÚC ÁO” LÀ PIN GÌ?!

Pin cúc áo hay pin Lithium là loại pin đẹp rất nguy hiểm bởi trẻ có thể nhầm lẫn, tưởng là kẹo và nuốt vào miệng. Ngày nay, với sự ra đời các thiết bị điện tử thì pin “cúc áo” trở nên khá phổ biến. Pin được sử dụng trong nhiều loại đồ chơi, điều khiển từ xa và thiết bị điện tử gia dụng.



NHỮNG HẬU QUẢ NẶNG NỀ DO NUỐT PIN

Bình thường pin sẽ đi qua đường tiêu hóa - nhưng nếu viên pin mắc kẹt ở thực quản hoặc ở ruột, nó có thể bị vỡ và giải phóng ra chất kiềm gây loét hoặc bỏng ở đường tiêu hóa.
Ngay cả sau khi viên pin đã được loại bỏ, nó vẫn có thể tiếp tục gây bỏng và tổn thương nghiêm trọng. Khi pin bị mắc ở thực quản thì trẻ sẽ bị các triệu chứng như khó nuốt, ho, sốt, ăn kém ngon, mệt mỏi. Nếu pin gây bỏng hay tổn thương ruột thì triệu chứng sẽ nặng hơn như nôn, đau ngực , đau bụng, phân màu xám hoặc lẫn máu.

Hầu hết các tai nạn liên quan đến pin cúc áo là do pin mắc lại thực quản và ăn mòn động mạch chủ hoặc các mạch máu chính khác, gây xuất huyết nghiêm trọng. Nhiều trẻ tử vong, một số trường hợp còn sống nhưng cũng chịu nhiều chấn thương nặng nề.

Rất khó để phát hiện khi trẻ nuốt hay nhét pin vào người do các triệu chứng giống với một số bệnh thường gặp khác. Phụ huynh chú ý tới tất cả các dấu hiệu: nếu pin mắc lại thực quản, trẻ sẽ có các triệu chứng khó nuốt, nuốt đau, ho… Dần dần, các biến chứng trở nên nghiêm trọng hơn như sốt, nôn ói, quấy khóc, không chịu ăn uống. Nếu pin bị vướng lại ruột, trẻ sẽ cảm thấy đau ngực hoặc đau bụng, ói ra máu, phân có lẫn máu hoặc có màu xám, đen. Một số trường hợp có thể nổi ban, mẫn ngứa do dị ứng với các thành phần trong pin như kẽm, thủy ngân, chì… Thậm chí, nếu để quá lâu có thể dẫn đến sốc do nhiễm độc hoặc xuất huyết.


NHỮNG VIỆC BỐ MẸ CẦN LÀM KHI PHÁT HIỆN TRẺ NUỐT PIN “CÚC ÁO”

• Khi đã phát hiện trẻ nuốt phải pin thì phụ huynh tuyệt đối không nên gây nôn cho trẻ vì pin không thể thoát ra ngoài theo các chất được nôn.

• Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để xử trí.

• Nên cho trẻ uống thuốc trung hòa toan (axít) để giảm tính axít của dạ dày, làm giảm nguy cơ lớp ngoài pin bị ăn mòn gây rò rỉ hóa chất độc hại. Đồng thời cho trẻ uống thuốc nhuận tràng và kiểm tra phân của trẻ để xem pin đã bị tống ra ngoài cơ thể chưa.

• Bình thường pin sẽ bị tống ra ngoài cơ thể trong vòng 15 giờ cho đến 7 ngày. Nếu pin lâu ra ngoài và phân có màu xám hay lẫn máu hoặc có biểu hiện bất thường khác thì nên đem trẻ đến bệnh viện để chụp X-quang nhằm xác định vị trí của pin, giúp thầy thuốc gắp pin qua nội soi hoặc phẫu thuật lấy pin ra.

• Điều quan trọng là phụ huynh cần ý thức được sự nguy hại mà pin cúc áo có thể gây ra. Cố gắng giữ pin cúc áo khỏi tầm tay trẻ em. Hạn chế mua sản phẩm sử dụng loại pin này hoặc nếu bắt buộc phải mua thì chọn loại tuổi thọ cao đồng thời giữ pin cẩn thận.

#phongkhamsoantrang
#trenuotpincucao

Đăng nhận xét

0 Nhận xét